Explore
Also Available in:

Sáng Thế Ký: Mảnh ghép bị khuyết

6154-crumbling-house
Ngày đăng: 6 tháng 1 năm 2009 (GMT+10)

bởi Calvin Smith
Dịch bởi: Anh Nguyễn, Hằng Nguyễn, Hương Vy

Hầu hết các lãnh đạo Hội Thánh cùng quan điểm rằng qua mỗi năm thế giới phương Tây ngày càng xa rời Cơ Đốc giáo.

Thế giới quan

Những quốc gia vốn được xây dựng trên nền móng Kinh Thánh đang chứng kiến sự tụt dốc của những giá trị Cơ Đốc trong đời sống văn hoá và các Cơ Đốc nhân dường như bất lực trong việc ngăn chặn điều này. Đối nghịch với Cơ Đốc giáo, các tư tưởng như chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa thời đại mới, và thần bí học đang được cổ súy một cách mạnh mẽ và trực tiếp thông qua giáo dục và truyền thông đến với cả người lớn và trẻ nhỏ.

Với rất nhiều nan đề mà Hội Thánh đang phải giải quyết, chúng ta cần tự đặt câu hỏi làm thế nào để Cơ Đốc nhân tạo ra sự khác biệt? Chúng ta cần tập trung vào đâu? Những điều đang xảy ra xảy ra một cách tình cờ hay còn có nguyên nhân sâu xa nào? Các lãnh đạo Hội Thánh đang quá bận rộn với các chương trình, sự kiện hay những buổi tham vấn mà dường như đã bỏ quên đi điều gì đó. Giống như trong một bức tranh xếp hình, Hội Thánh dường như không thể tìm ra mảnh ghép còn thiếu.

Khi mọi thứ xung quanh chúng ta trở nên hỗn loạn, chúng ta cần trở về với những điều cơ bản nhất. Nếu không có một nền móng vững vàng, một công trình sớm muộn sẽ sụp đổ. Thi thiên 11:3 nói rằng: “Nếu các nền bị phá đổ, Người công bình sẽ làm sao?” Câu Kinh Thánh này khiến chúng ta phải suy xét lại nền tảng thế giới quan của chúng ta mà từ đó có thể giúp lý giải tại sao chúng ta phải đối mặt với những nan đề ngày hôm nay.

Chủ nghĩa vô thần

Trước khi nhìn lại nền tảng đức tin của chúng ta, hãy thử xem xét nền tảng của tư tưởng đối lập với Cơ Đốc giáo - chủ nghĩa vô thần. Chủ nghĩa vô thần cho rằng về cơ bản không có một Đức Chúa Trời nào cả. Tất cả các chủ nghĩa hay tư tưởng đều cố gắng đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi lớn về cuộc đời như “Chúng ta đến từ đâu?” Một người theo chủ nghĩa vô thần giải thích thế nào về nguồn gốc của loài người nếu như không có Đức Chúa Trời. Câu trả lời của họ là học thuyết tiến hóa. Họ dựa vào học thuyết tiến hóa để giải thích cho sự tồn tại một cách tự nhiên của con người mà không cần tới Đức Chúa Trời. Học thuyết tiến hóa, trình bày một cách ngắn gọn, đưa ra các quan điểm sau đây.

15910-cosmic-evolution

Sự tiến hóa của vũ trụ

Hàng tỷ năm trước, vật chất và năng lượng xuất hiện như một kết quả của vụ nổ ‘Big Bang’. Trải qua hàng tỷ năm, các dải ngân hà, các vì sao và các hành tình tự nhiên được sinh ra.

Sự tiến hóa địa chất

Trái đất khởi nguyên là một hành tinh nóng chảy, nhưng dần dần nguội đi đến mức nước cô đọng lại và lấp đầy các đại dương.

Sự tiến hóa hóa học

Trải qua một khoảng thời gian, dạng sự sống tái tạo đầu tiên được hình thành tự phát từ những hóa chất phi sự sống.

Sự tiến hóa sinh học

Sinh vật đơn bào trải qua hàng triệu năm đã trở nên phức tạp hơn qua quá trình đột biến gen và chọn lọc tự nhiên, và cuối cùng tạo ra tất cả các dạng sống tồn tại trên hành tinh của chúng ta.

15910-human-evolution

Sự tiến hóa của loài người

Các sinh vật giống vượn người cuối cùng đã phát triển các chức năng tư duy cao hơn và tiến hóa thành con người, hình thành nên các xã hội và nền văn hóa mà ở đó phát triển luật pháp, tôn giáo và các thể chế như hôn nhân. Các nhà tiến hóa coi các tầng địa chất và các hóa thạch mà nó chứa đựng là “bằng chứng khoa học” lý giải quá trình này.

Cái chết nhiệt của vũ trụ

Bởi vì toàn bộ vũ trụ tuân theo quy luật entropy, trong tương lai “cái chết nhiệt” của vũ trụ cuối cùng sẽ xảy ra. Vũ trụ sẽ giảm đến một trạng thái không có năng lượng nhiệt động lực học và do đó không còn có thể duy trì sự sống. Có lẽ mọi thứ sẽ bị hủy diệt và bắt đầu lại từ đầu.

Không có sự hy vọng nào

Quan điểm vô thần, dựa trên những giả định về lịch sử này, cho rằng loài người có một khởi đầu tình cờ, rằng chúng ta tiến hóa thông qua những quá trình ngẫu nhiên và rằng không có một sự hy vọng nào cho tương tai của loài người. Quan điểm này cho rằng không có gì là tuyệt đối, không có một chuẩn mực chung nào cho các giá trị đạo đức. Mỗi người hành xử theo cách mà họ cho là đúng.

6154-ark

Sự so sánh giữa chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa hữu thần đôi khi bị hiểu nhầm thành sự so sánh giữa “khoa học” và “niềm tin”. Điều này là sai lầm bởi vì thuyết tiến hóa cũng là một thế giới quan dựa trên cơ sở niềm tin. Trên thực tế, những người theo thuyết tiến hóa và những người theo thuyết tạo hóa có chung một cơ sở dữ liệu khoa học. Không có một quan sát khoa học nào mà những người theo thuyết tạo hóa lại không đồng tình với những người theo thuyết tiến hóa. Sự bất đồng quan điểm nằm ở những giả định ban đầu.

Sự khác biệt thực sự nằm ở lịch sử hình thành thế giới mà mỗi nhóm tin vào, bởi niềm tin. Tại sao lại bởi niềm tin? Bởi vì chúng ta không thể du hành ngược thời gian để xem dạng sống đầu tiên tiến hóa như thế nào hay quan sát Đức Chúa Trời tạo ra vũ trụ ra sao. Vì vậy, sự hiểu biết của chúng ta về những gì đã xảy ra trong quá khứ cuối cùng cũng phải dựa trên cơ sở niềm tin. Chúng ta có thể sử dụng các phương pháp khoa học để quan sát những bằng chứng trong hiện tại, và sau đó đưa ra đánh giá xem những bằng chứng đó ủng hộ cho quan điểm nào nhất.

Mảnh ghép chính của bức tranh; Chúa Giê-xu đã chết vì tội lỗi của chúng ta

Nhiều Cơ Đốc nhân tin rằng vấn đề tạo hóa/tiến hóa là một vấn đề thứ yếu, một lĩnh vực không cần thiết phải tập trung. Nhiều người cho rằng đó là một chủ đề gây chia rẽ, và không liên quan nhiều đến việc chia sẻ Phúc Âm.

Để tìm hiểu xem đây có phải là vấn đề thứ yếu hay không, hãy xem xét sự giảng dạy của hầu như tất cả các Hội Thánh truyền giáo. Hầu hết Cơ Đốc nhân đều đồng ý rằng mấu chốt của thế giới quan Cơ Đốc là Đấng Cứu thế của chúng ta, Chúa Giê-xu Christ. Kinh Thánh nói rằng Chúa Giê-xu đã trở thành “A-đam cuối cùng”, chết trên thập tự giá vì tội lỗi của thế gian và trả giá những hình phạt mà chúng ta đáng phải chịu, để đến ngày phán xét cuối cùng chúng ta không phải chịu sự xa cách vĩnh viễn với Đức Chúa Trời tại nơi hỏa ngục.

15910-virgin-birth

Sự Giáng sinh bởi nữ đồng trinh

Những truyền thống của Cơ Đốc giáo như lễ Giáng sinh xuất phát từ sự kiện Chúa Giê-xu ra đời, điều đã được tiên tri trong Cựu Ước. Chúa Giê-xu Christ được sinh ra bởi một nữ đồng trinh. Vì Ngài là Con Đức Chúa Trời vô tội, hoàn hảo về mọi mặt nên Ngài có thể trở thành của lễ thích hợp duy nhất để trả giá cho tội lỗi của thế gian.

Sự Phục sinh

Lễ Phục Sinh là ngày kỷ niệm sự sống lại của Chúa Giê-xu, là minh chứng cho sự đắc thắng của Ngài trước tội lỗi và cái chết. Chúa Giê-xu nhận biết sự liên kết giữa những sự việc tại thời gian/không gian thực ở đất này có liên quan đến những sự thật thuộc linh khi Ngài phán với Ni-cô-đem về sự tái sinh.

Chúa Giê-xu nói; “Nếu ta nói với các ngươi những việc thuộc về đất, các ngươi còn chẳng tin thay; huống chi ta nói những việc thuộc về trời, thì các ngươi tin sao được?” (Giăng 3:12) Kinh Thánh nói rõ rằng nếu những sự kiện này không thực sự xảy ra, chúng ta vẫn chìm trong tội lỗi, đức tin của chúng ta là vô ích, và chúng ta đáng thương hơn bất cứ ai.

Nhưng tại sao việc Chúa Giê-xu bị đóng đinh lại cần thiết? Tại sao Chúa Giê-xu phải chịu một cái chết kinh khủng như vậy? Để hiểu điều này, chúng ta phải trở lại nền tảng đức tin của Cơ Đốc nhân - bắt nguồn từ Cựu Ước. Chúa Giê-xu thừa nhận thẩm quyền của Cựu Ước mỗi khi Ngài nói “Kinh Thánh viết rằng …” hoặc “Các con chưa đọc …”

Sách Sáng-thế Ký giúp chúng ta hiểu rõ lý do Chúa Giê-xu đến thế gian – để giải quyết nan đề mà tổ phụ của loài người, A-đam đầu tiên, đã gây ra.

Sự Sáng thế

Kinh Thánh mô tả rằng Đức Chúa Trời đã tạo ra một thế giới hoàn hảo, một thiên đường nơi mọi thứ đều “rất tốt”. Sáng-thế Ký 1:29 nói rằng con người và động vật đều ăn thực vật (không có động vật ăn thịt) và do đó không có sự đổ máu. Ở đó không có tội lỗi, sự bại hoại hay sự chết.

15910-the-fall

Sự sa ngã

Đức Chúa Trời ban cho A-đam một mạng lệnh rằng ông không được ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác, và nói rằng nếu ông ăn thì sẽ chết. Thật không may, A-đam đã chọn thực hiện ý chí tự do của mình và bất tuân Đức Chúa Trời.

Kết quả là Đức Chúa Trời đã rủa sả trái đất, và đau khổ và sự chết đã xâm nhập thế gian. Vì A-đam là tổ phụ của loài người nên bản chất tội lỗi của ông đã được truyền lại cho thế hệ con cháu. Rô-ma 5:12 nói rằng, “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội.”

Nhân loại giờ đây bị phân cách khỏi Đức Chúa Trời, không chỉ chết về thể xác mà còn chết về mặt tâm linh.

Sự phán xét

Trong Sáng-thế Ký chương 6, chúng ta biết được cách Đức Chúa Trời đã phán xét những kẻ ác trong trận Đại hồng thuỷ mà Kinh Thánh mô tả là “… hết thảy các ngọn núi cao dưới trời đều bị ngập…” (Sáng-thế Ký 7:19) Sự phán xét này xảy đến để hủy diệt mọi sự sống trên đất, ngoại trừ Nô-ê là người được xưng công chính trước mặt Đức Chúa Trời, gia đình của ông và các loại động vật trên tàu. Đây là một lời giải thích hoàn hảo dựa trên quy luật nhân quả cho những hóa thạch của hàng tỷ sinh vật bị chôn vùi trong lớp đá trầm tích trên khắp trái đất.

Trận Đại Hồng Thủy trong thời Nô-ê cũng tương đồng với sự phán xét trong những ngày cuối cùng được nói đến trong 2 Phi-e-rơ 3:6-7: “thế gian bấy giờ cũng bị hủy phá như vậy, là bị chìm đắm bởi nước lụt. Nhưng trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại, và để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán xét và hủy phá kẻ ác. “

Luật pháp

Sau đó thông qua Môi-se, Đức Chúa Trời đã ban Luật pháp cho loài người để họ biết điều đúng sai và các chuẩn mực xã hội. Điều quan trọng nhất là Luật pháp cho thấy loài người không bao giờ có thể đạt được chuẩn mực của Đức Chúa Trời, rằng “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 3:23) Như sứ đồ Phao-lô đã nói: “… Nhưng nếu không nhờ luật pháp thì tôi không biết đến tội lỗi.. . “(Rô-ma 7:7) Sự hiểu biết về tội lỗi và sự đoán phạt thôi thúc chúng ta tìm kiếm sự thương xót nơi thập tự giá của Đấng Christ.

15910-restoration

Sự phục hồi

Niềm hy vọng phước hạnh mà Kinh Thánh nói đến chính là sau sự phán xét cuối cùng của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ khôi phục lại Trái đất như thuở ban đầu khi tội lỗi chưa đến thế gian. “Sẽ không có sự chết, cũng không có tang chế, than khóc, hoặc đau đớn nữa” (Khải Huyền 21:4). Chúng ta sẽ được ban cho một thân thể mới, không hề hư nát và kẻ thù cuối cùng bị hủy diệt là sự chết…

Kiến thức nền tảng — sức mạnh biến đổi — hy vọng phước hạnh

Sự hoàn hảo, sự bại hoại, sự phán xét, sự cứu rỗi và sự phục hồi. Đây là “bức tranh toàn cảnh” về lịch sử thế giới và nhân loại đã được Hội Thánh giảng dạy và chấp nhận trong khoảng mười tám thế kỷ. Cho đến khoảng 200 năm trước ở thế giới phương Tây, ngay cả những người không tin Chúa cũng chấp nhận điều này. Vậy thì điều gì đã thay đổi? Điều này có liên quan gì đến những nan đề mà Hội Thánh đang phải đối mặt không?

Khoảng 200 năm trước, khái niệm “hàng triệu năm” bắt đầu phổ biến khi một số người giải thích rằng các chứng tích đá và hóa thạch không phải là kết quả của trận Đại hồng thủy thời Nô-ê mà là kết quả của hàng triệu năm tiến hóa. Ý tưởng về hàng triệu năm tiến hóa, được cho là được ghi lại qua những hóa thạch, đã mở đường cho thuyết tiến hóa của Darwin. Theo đó, những quá trình này diễn ra một cách chậm chạp trong một thời gian dài, dường như ăn khớp với những mẫu địa chất có tuổi đời “hàng triệu năm”.

Ngày nay quan điểm trái đất có lịch sử hàng triệu năm được cổ súy bởi hệ thống giáo dục công lập. Nhiều Cơ Đốc nhân đã chấp nhận quan điểm này và cố gắng dung hòa nó với Kinh Thánh. Nhiều người tự hỏi liệu có thể nào Đức Chúa Trời đã sử dụng quá trình tiến hóa hay quá trình tiến hóa hàng triệu năm có phù hợp với sự dạy dỗ của Kinh Thánh không. Một số người cảm thấy khoa học và niềm tin là hai lĩnh vực tư tưởng tách biệt và Kinh Thánh không liên quan đến thế giới thực. Nhiều người chỉ đơn giản tin rằng đó là một vấn đề không quan trọng.

15910-worldviews

Những quan điểm trái ngược

Hãy xem xét một khía cạnh của câu chuyện tiến hóa và xem nó tác động như thế nào đến thần học Cơ Đốc. Nhiều Cơ Đốc nhân có thể không tin vào thuyết tiến hóa của động vật và con người nhưng vẫn tin rằng Trái đất kiến tạo qua hàng triệu năm. Nhưng quan điểm về hàng triệu năm tiến hóa xuất phát từ việc giải thích các lớp đá trầm tích chứa đựng các hóa thạch trên khắp trái đất được cho là đã lắng đọng một cách chậm chạp qua hàng triệu năm.

Bạn giải thích thế nào về quan điểm “hàng triệu năm”

Khi nhìn vào lịch sử trái đất, hầu như không ai xếp thời kỳ “hàng triệu năm” vào sau khi A-đam và Ê-va xuất hiện vì điều này vô lý. Họ cố gắng xếp nó vào thời kỳ trước A-đam và Ê-va. Nhưng nếu điều đó là sự thật thì chúng ta phải đối chiếu được với các bằng chứng hóa thạch, là những bằng chứng về cái chết của các sinh vật! Các nhà cổ sinh vật học thậm chí đã phát hiện ra hoạt động ăn thịt, các khối u và gai ung thư trong các mẫu hóa thạch.

Sự chết trước khi tội lỗi xuất hiện

15910-eden

Điều này có ý nghĩa thần học lớn. Khi chúng ta chấp nhận quan điểm về hàng triệu năm tiến hóa, chúng ta đang cho rằng đã có hàng triệu năm chết chóc, bệnh tật và đổ máu trước khi A-đam phạm tội. Nhưng điều này rõ ràng mâu thuẫn với sự dạy dỗ của Kinh Thánh mà trong đó Đức Chúa Trời công bố Ngài đã hoàn thành sự Sáng thế “đầy tốt lành” của mình và sự chết chỉ đã xảy ra sau khi A-đam phạm tội.

Khi chúng ta cố dung hòa quan điểm hàng triệu năm tiến hóa với Kinh Thánh, đột nhiên Kinh Thánh trở nên bất hợp lý; Rô-ma 6:23 “… Vì tiền công của tội lỗi là sự chết…” Nếu sự chết xảy ra trước khi A-đam phạm tội, thì tiền công của tội lỗi khi này là gì? Rô-ma 5:12 “… bởi tội lỗi của một người đã vào thế gian, và sự chết bởi tội lỗi…” Sự chết không thể đến vì tội lỗi của A-đam nếu nó đã có trước. Hê-bơ-rơ 9:22 “… không đổ huyết thì không có sự tha thứ…” Việc đổ máu sẽ liên quan gì đến việc tha tội nếu sự đổ máu đã diễn ra hàng triệu năm trước khi A-đam và Ê-va phạm tội?

6154-resurection-puzzle

Điều này có tác động với sứ điệp Phúc Âm

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sứ điệp Phúc Âm vì Chúa Giê-xu được sai đến để gánh thay tội lỗi của A-đam. Chúa Giê-xu đã chịu chết về thể xác, Ngài đã đổ huyết, chiến thắng tội lỗi và sự chết và hứa sẽ quay trở lại và khôi phục thế giới như “thuở ban đầu”. Nếu hàng triệu năm đổ máu xảy ra trước khi tội lỗi của con người bắt đầu thì Đức Chúa Trời sẽ khôi phục thế giới về lại tình trạng như thế nào trong tương lai?

Nếu Trái đất thực sự hàng triệu năm tuổi thì câu chuyện Sáng thế có vẻ giống với thần thoại hơn là lịch sử, nhưng điều này không phù hợp với những lời dạy của Chúa Giê-xu. Ngài đã trực tiếp chứng thực và cảnh báo về việc bất tin vào các sách của Môi-se trong Giăng 5:46–47 khi nói rằng “Nếu các ngươi tin Môi-se thì cũng tin Ta, vì Môi-se viết về Ta. Nhưng nếu các ngươi không tin những lời Môi-se viết thì làm thế nào các ngươi tin lời Ta được?”

Hầu hết những người không tin Chúa ngày nay đều phủ nhận các sách luật pháp của Môi-se, và bởi vậy bác bỏ sự dạy dỗ của Đấng Christ. Sự Sáng thế được hiểu như một thuật ngữ mô tả sự tiến hóa; tội lỗi là bình thường, luật pháp không còn là “đúng sai” mà là bất cứ điều gì bạn quyết định. Và niềm tin về một trận Đại hồng thủy diễn ra trên toàn Trái đất hầu như bị bác bỏ.

Đối với Cơ Đốc nhân, phủ nhận các sách của Môi-se nhưng nghe theo những lời dạy của Chúa Giê-xu là một suy nghĩ không nhất quán. Thật không may, những người vô thần dường như hiểu rõ những mâu thuẫn này hơn cả chúng ta, và họ đã lợi dụng điều này để hạ thấp thế giới quan Cơ Đốc giáo và truyền bá thế giới quan vô thần của họ. Nhà vô thần Richard Bozarth đã viết như sau trên tạp chí American Atheist số tháng 2 năm 1978:

“Rõ ràng là toàn bộ ý nghĩa của cuộc đời và cái chết của Chúa Giê-xu dựa trên sự tồn tại của A-đam và trái cấm mà ông và Ê-va đã ăn. Nếu không có tội nguyên tổ thì con người đâu cần được cứu chuộc? Nếu A-đam không rơi vào một cuộc sống liên tục phạm tội cho đến khi chết thì Cơ Đốc giáo có ý nghĩa gì? Hoàn toàn vô nghĩa. Tất cả những điều này có nghĩa rằng Cơ Đốc giáo không thể thua trong cuộc tranh luận về sự Sáng thế… Cơ Đốc giáo đang chiến đấu vì chính sự tồn tại của nó.”

Không phải là một vấn đề thứ yếu

Không chỉ là một vấn đề thứ yếu, cuộc tranh luận về tạo hóa/tiến hóa được đặt lên hàng đầu trong các cuộc tấn công vào thế giới quan Cơ Đốc. Tổ chức Sáng tạo Quốc tế (Creation Ministries International – CMI) được sáng lập để giúp đỡ các mục sư và các nhà lãnh đạo trang bị cho Hội Thánh của họ những kiến thức về nguồn gốc của nhân loại dựa trên nền tảng Kinh Thánh và sự kính sợ Đức Chúa Trời.

Hầu hết các Cơ Đốc có những thắc mắc về khoa học và Kinh Thánh, và nhiều người phải giằng co với đức tin của mình vì những câu hỏi này. Việc làm chứng có thể gặp khó khăn khi chúng ta nhận được những câu hỏi hóc búa trong lĩnh vực này và nhiều Cơ Đốc nhân cảm thấy không được trang bị đầy đủ để có thể đưa ra các câu trả lời thoải đáng. Nhiều khi việc chia sẻ Phúc Âm của Chúa Giê-xu gặp khó khăn bởi chính những câu hỏi liên quan đến các sách của Môi-se.

Còn đề tài về khủng long thì sao? Ca-in lấy vợ ở đâu? Làm sao bạn biết Đức Chúa Trời tồn tại? Thuyết tiến hóa thì sao? Nô-ê có thể đem tất cả các loài động vật lên tàu không? Trận Đại hồng thủy có xảy ra trên toàn Trái đất không? Còn các phương pháp xác định niên đại thì sao?

Trang bị cho Hội Thánh

Các diễn giả chuyên nghiệp của CMI, nhiều người trong số họ là các tiến sĩ khoa học, nhận lời mời tới các Hội Thánh để trình bày câu trả lời cho những câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác theo một cách chuyên nghiệp, không đối đầu mà vẫn không xa rời khỏi thẩm quyền của Kinh Thánh .

Họ có thể chia sẻ cho Hội Thánh của bạn nhiều ví dụ khoa học ủng hộ những gì Kinh Thánh nói trong Sáng-thế Ký. Các bài thuyết trình có tốc độ nhanh vời các hình ảnh minh họa có thể thu hút sự chú ý của mọi lứa tuổi từ 15 trở lên.

Qua các lời chứng mà chúng tôi đã nhận được trong hơn 30 năm chức vụ, chúng tôi đúc kết được sau các buổi chia sẻ, mọi người trở nên hào hứng về lời của Đức Chúa Trời và thấy rằng lời Kinh Thánh có thể được kiểm chứng một cách khoa học, và bắt đầu làm chứng với một cách dạn dĩ hơn.

Nếu bạn quan tâm đến việc mời một trong những diễn giả1 của chúng tôi hoặc muốn biết thêm thông tin, bạn có thể liên hệ với chúng tôi hoặc gửi email tới events@creation.info

Tài liệu tham khảo

  1. Các bài thuyết trình của CMI cho thấy hoàn toàn có thể giải đáp một cách dễ hiểu những thắc mắc và phản biện thường gặp liên quan đến vấn đề tạo hóa/tiến hóa – một trong những phản biện phổ biến nhất đối với niềm tin Cơ Đốc. Để biết thêm thông tin, hãy xem phần “Mục vụ diễn thuyết” trên trang Chúng tôi làm gì. Trở lại văn bản.